Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
TÓM TẮT TRUYỀN THỐNG LICH SỬ 70 NĂM ĐẢNG BỘ XÃ QUẢNG BÌNH

ĐẢNG BỘ XÃ QUẢNG BÌNH - 70 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH  (11/3/1954 – 11/3/2024)

Cách đây 70 năm, ngày 11/3/1954 Chi bộ xã Quảng Bình được thành lập, tiền thân của Đảng bộ xã Quảng Bình ngày nay. Đây là sự kiện chính trị quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của  địa phương. Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã làm nên những thành tựu to lớn, vẻ vang, góp phần cho những trang sử truyền thống của đảng bộ nhân dân ngày càng thêm tươi đẹp.

- Quảng Bình là một xã nông nghiệp, cách trung tâm hành chính huyện Quảng Xương 7km về phía Nam; có diện tích tự nhiên 7,1km2; dân số hơn 7 ngàn người; Phía đông giáp xã Quảng Lưu; Phía nam giáp các xã Quảng Lộc, Quảng Trường và Quảng Lĩnh cũ; Phía tây giáp các xã Quảng NgọcQuảng Hợp; Phía bắc giáp các xã Quảng Ninh và Quảng Nhân, huyện Quảng Xương.

- Đây là một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa: Từ đầu thế kỷ XIX, trên vùng đất này đã hình thành các cụm dân cư, xóm làng với các tên gọi: Tiền Thôn, Ngưu Trung, Xa Thư, Trần Cầu, Văn Lan, Phúc Điền, thuộc tổng Thái Lai, huyện Quảng Xương. Trước Cách mạng tháng Tám, xã Quảng Bình ngày nay có các làng Tiền Thôn, Ngưu Trung, Xa Thư, Trần Cầu, Văn Lan, Phúc Điền, Tiền Đông, Tiền Phương, Tiền Tiến. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các làng trên thuộc xã Việt Hồng. Tháng 4/1948, ba xã Việt Hồng, An Ninh và Quang Trung sáp nhập thành một xã gọi là Quảng Ninh, gồm 17 làng. Tháng 3 năm 1954, xã Quảng Ninh (lớn) chia thành 2 xã: Quảng Bình và Quảng Ninh. Tên gọi xã Quảng Bình có từ đây, xã Quảng Bình bao gồm các làng: Phúc Điền, Trần Cầu, Văn Lan, Ngưu Trung, Tiền Thôn, Xa Thư, Ngọc Phương, Hà La, Ái Đức, Nê Trung, Nhưng Cựu. Sau đó, các làng Nê Trung, Nhưng Cựu cắt chuyển về xã Quảng Nhân; Hà La, Ái Đức, Ngọc Phương nhập vào xã Quảng Lĩnh. Đến cuối năm 1954, xã Quảng Bình còn 6 làng  là: Phúc Điền, Trần Cầu, Văn Lan, Xa Thư, Ngưu Trung, Tiền Thôn. Năm 1991, 6 làng của Quảng Bình được chia thành 9 thôn. Từ tháng 12 năm 2018, 9 thôn của Quảng Bình được sáp nhập thành 5 thôn là: Trần Cầu, Ngưu Trung, Tiền Thôn, Xa Thư và Cống Trúc.

- Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất Quảng Bình đã từng diễn ra biết bao sự kiện về quá trình mở đất, dựng làng lập xóm. Các thế hệ cư dân Quảng Bình đã hun đúc nên những giá trị truyền thống vô cùng quý báu: Đó là lòng tự hào, tự cường dân tộc gắn với ý chí, khát vọng vươn lên; là truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất; Là tinh thần lao động cần cù, sáng tạo; là nét đẹp văn hoá gắn liền với những thuần phong mỹ tục, lối sống nhân văn sâu sắc; là tinh thần hiếu học, “Trọng nghĩa, cầu hiền”, “Tôn sư, trọng đạo” với hàng ngàn người đỗ đạt, thành tài qua các thế hệ… Đây là di sản vô giá, là nền tảng tinh thần tạo nên sức mạnh to lớn xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng quê hương.

- Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, bị đè nén dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến tay sai; Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhân dân Quảng Bình đã phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chế độ thuộc địa nửa phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là nước CHXHCN Việt Nam.

Niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngay sau khi chính quyền cách mạng ra đời, cùng một lúc phải đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, ngày 26 tháng 2 năm 1946, Huyện ủy Quảng Xương được thành lập lãnh đạo nhân dân trong huyện xây dựng chính quyền, tổ chức đời sống mới, đẩy mạnh sự nghiệp kiến quốc, chuẩn bị mọi điều kiện tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, nhân dân Quảng Bình cùng nhân dân trong huyện khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện bước vào cuộc kháng chiến với tư thế của người dân một nước độc lập mang ý chí sắt đá “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

 - Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, Huyện ủy cử cán bộ về xã Quảng Ninh xây dựng phong trào cơ sở, bồi dưỡng nhân cốt tiến tới xây dựng chi bộ Đảng. Đến ngày 7/4/1948, thành lập Chi bộ Trung Thành gồm 7 đảng viên, do đồng chí Lữ Trọng Xương (Làng Ninh Dụ, xã Quảng Ninh) làm Bí thư chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Trung Thành, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.

- Ngày 11 tháng 3 năm 1954, cùng với việc chia tách xã, Chi bộ Trung Thành chia thành 2 chi bộ theo đơn vị xã Quảng Ninh và Quảng Bình. Bấy giờ, Chi bộ xã Quảng Bình có 37 đảng viên; Ban chấp hành chi bộ lâm thời do Huyện ủy Quảng Xương chỉ định gồm 3 đồng chí; đồng chí Lê Xuân Cầm là Bí thư đầu tiên của chi bộ xã Quảng Bình, đồng chí Mai Đình Lại làm Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã; đồng chí Nguyễn Văn Thường là Chi ủy viên. Ngay trong tháng 3/1954, Chi bộ Đại hội Lần Thứ Nhất (NK 1954-1956), có 40 đảng viên dự, tại nhà ông Lê Huy Phang (Làng Ngưu Trung); nhân sự được bầu tham gia BCH và các chức danh là các đồng chí đã được chỉ định như trên.

Sự ra đời của Chi bộ xã Quảng Bình là dấu mốc lịch sử, bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự phát triển vững chắc của phong trào cách mạng địa phương chuyển kịp theo trào lưu cách mạng của huyện, của tỉnh.

- Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp vô cùng gian khổ; Chi bộ đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng vững mạnh. Đội ngũ đảng viên luôn luôn đầu tầu gương mẫu trong các phong trào cách mạng, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Xã Quảng Bình có hàng trăm thanh niên, có nhiều đảng viên tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong; hơn 1.000 lượt dân công phục vụ các chiến dịch, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí ra mặt trận; đặc biệt, dốc sức người, sức của tham gia đoàn Dân công tiếp vận của huyện, vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men…, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp, đưa cách mạng Việt Nam bước sang thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Hơn 20 năm (1954 - 1975), cùng nhân dân miền Bắc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân xã Quảng Bình khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh; khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa; ổn định đời sống; hoàn thành cải cách ruộng đất, thực hiện ước mơ ngàn đời “người cày có ruộng”, từng bước đưa nông dân đi vào con đường hợp tác hóa. Cùng với phong trào xây dựng HTX nông nghiệp; HTX mua bán, HTX tín dụng được thành lập tạo thành “Ba ngọn cờ hồng” hỗ trợ nhau cùng phát triển. Công tác văn hóa, y tế, giáo dục cũng từng bước được chăm lo, nâng cao.

Trước sự phát triển của chi bộ và yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965), tháng 3 năm 1961, Huyện ủy Quảng Xương ra Quyết định chuyển Chi bộ Quảng Bình thành Đảng bộ xã, gồm 75 đảng viên; chỉ định BCH Đảng bộ gồm 9 đồng chí, do đồng chí Bùi Văn Tân làm Bí thư Đảng ủy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong xã phát huy “Ba ngọn cờ hồng”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Học tập, đuổi kịp và vượt HTX Đại Phong (tỉnh Quảng Bình)”. BCH đẩy mạnh xây dựng Chi bộ “4 tốt”; đội ngũ đảng viên phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, luôn thể hiện rõ vai trò  trong tổ chức và lãnh đạo công cuộc xây dựng CNXH trên quê hương.

Trong thời kỳ 1965 – 1975, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Quảng Bình là một địa phương bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt gây nhiều tổn thất về người và tài sản. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong xã chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Nhân dân Quảng Bình không bao giờ quên những trận bom ác liệt của giặc Mỹ dội xuống xóm làng; Ngày 19 tháng 01 năm 1966 (tức là ngày 9 tháng Chạp năm Bính Ngọ), máy bay Mỹ ném bom bắn phá ác liệt vào khu dân cư Tiền Thôn làm chết 7 người, nhiều người bị thương, thiệt hại nhiều nhà cửa của nhân dân. Vào tháng 11 năm 1967, máy bay Mỹ ném bom xuống Tiền Thôn làm 21 người chết, 27 người bị thương; hơn 30 nóc nhà bị cháy, bị hư hỏng, làm cháy 7 tấn lương thực và nhiều con trâu, bò bị chết. Dọc tuyến Quốc lộ 1A và cầu Đồng Vang bị máy bay Mỹ ném bom 11 lần, trong đó cầu đồng Vang bị đánh 5 lần; các làng Trần Cầu, Tiền thôn, Ngưu Trung, dọc Quốc lộ 1A từ trạm xá xã xuống đến xóm Tiền Đông...đều bị máy bay Mỹ ném bom gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Vượt lên mất mát đau thương, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong xã nỗ lực thi đua sản xuất với tinh thần “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”; đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ và chi viện cho tiền tuyến; thực hiện tốt lời kêu gọi và di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mỗi người làm việc bằng hai”; đẩy mạnh phong trào thi đua “3 giỏi”. Công tác phòng không nhân dân được Đảng bộ đặc biệt coi trọng. Cuối 1971, thành lập 1 Trung đội Dân quân trực chiến gồm 30 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức nhiều trận đánh trả máy bay Mỹ. Ngoài ra, còn thành lập một tiểu đội dân quân, do đồng chí Lê Xuân Phấn phụ trách tham gia chiến đấu ở đơn vị C94 đơn vị anh hùng của huyện Quảng Xương….góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đặc biệt, trong thời gian này, những năm 1973 – 1975, tranh thủ hòa bình ở miền Bắc, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công Quy hoạch khu dân cư mới để mở rộng diện tích canh tác; đồng thời, tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng phù hợp với yêu cầu sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Quảng Bình là xã duy nhất trong huyện Quảng Xương và là một trong hai xã trong toàn tỉnh đã quy hoạch lại khu dân cư theo ô bàn cờ. Thành công đó, chứng minh cho chân lý: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”; Khi ý Đảng hợp với lòng dân thì bất cứ việc gì, dù khó khăn đến mấy cũng sẽ làm được. Từ đây trở đi, phong trào sản xuất nông nghiệp không ngừng phát triển, trở thành lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hóa.

Đất nước vừa độc lập, thống nhất thì chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc xảy ra ác liệt. Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình vừa khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, vừa huy động sức người, sức của góp phần gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Công tác thương binh - xã hội được Đảng ủy quan tâm chú trọng. Quảng Bình là xã đầu tiên trong huyện xây dựng nhà bia, đài tưởng niệm liệt sỹ.

Tổng kết các cuộc kháng chiến cứu quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Quảng Bình đã đóng góp cho đất nước hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, hàng nghìn lượt người tham gia bộ đội, thanh niên xung phong, dân công tiếp vận… trên các chiến trường, trong đó, có 138 người con của quê hương đã anh dũng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc, 114 thương binh, 44 bệnh binh, 78 người bị nhiễm và ảnh hưởng của chất độc da cam; 581 dân công hỏa tuyến; 72 dân quân trực chiến; Nhiều gia đình có 2 con là liệt sĩ…Trước những đóng góp to lớn đó, xã Quảng Bình đã có 17 mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 617 người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến các hạng, 185 cá nhân và 75 gia đình được tặng Bằng khen của tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Từ chiến tranh chuyển sang thời bình, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mới. Thử thách lớn nhất của Đảng bộ là phải vượt qua chính mình, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng mới.

Trong 10 năm đầu (1976 - 1985), phải vật lộn với nhiều khó khăn của cơ chế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp; Ban chấp hành Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã đoàn kết, nêu cao tinh thần cách mạng, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu giành những thắng lợi quan trọng trên mặt trận phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, ổn định và giữ vững ANCT-TTATXH.

Quảng Bình từ một xã nghèo về kinh tế đã trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu toàn huyện về năng suất cây trồng, vật nuôi, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu cho các xã trong huyện và là lá cờ đầu của phong trào hợp tác hóa toàn tỉnh. Từ phong trào đó, đồng chí Bùi Thị Lượn, Đảng ủy viên, phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp phụ trách chăn nuôi của xã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VI. Quảng Bình là xã dầu tiên trong toàn tỉnh có mô hình nhà trẻ theo hình thức bán trú và cũng là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về công tác chăm sóc các cháu mẫu giáo, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng Lẵng hoa năm 1977. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tổ chức phát động quần chúng giúp đỡ nhau xây dựng 3 công trình: giếng nước, nhà tắm, nhà tiêu 2 ngăn hợp vệ sinh và là một trong những xã có phong trào phát triển mạnh nhất trong huyện; Thực hiện phong trào “Định Công hóa” ở HTX nông nghiệp, Quảng Bình trở thành một điển hình tiên tiến của huyện Quảng Xương. Năm 1978, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Bình vinh dự được Chính phủ tặng cá giống để nuôi trong “Ao cá Bác Hồ”. BCH Đảng bộ đã trăn trở, tìm tòi từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện cơ chế quản lý mới theo tinh thần Chỉ thị 100 (tháng 1 năm 1981) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến người lao động trong hợp tác xã” (còn gọi là khoán 100)”, tạo ra động lực mới. Đó là tiền đề về tư tưởng, tổ chức để phong trào quần chúng đi vào thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Giai đoạn từ năm 1986 đến 1995, Từ sau Đại hội XV (1988-1991), cùng với thực hiện Nghị quyết ĐH đã đề ra, gắn với thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (còn gọi là khoán 10). Qua 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986 - 1995), Đảng bộ đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức lại sản xuất, từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý mới, đạt được những thành tựu quan trọng và tương đối toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên và tích lũy được kinh nghiệm trong phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân. Những thành tựu đạt được đã tạo niềm tin tưởng, phấn khởi và sức bật mới, tạo đà để Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình tiến vào thời kỳ mới: thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghệp, nông thôn vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Giai đoạn từ năm 1996 đến 2000, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Sau 15 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới của Đảng (1986 - 2000), nền kinh tế của xã Quảng Bình không ngừng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng - an ninh vững mạnh, chính trị xã hội ổn định. Đảng bộ và hệ thống chính trị không ngừng phát triển, trưởng thành và đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu trong xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước. Những thành tựu đó là điều kiện quan trọng để Đảng bộ và nhân dân xã nhà vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Giai đoạn 2000 đến nay Đảng bộ xã Quảng Bình tiếp tục lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông  thôn và đạt được nhiều thành tựu, tạo nên những “cột mốc” quan trọng làm thay đổi và tạo dựng diện mạo mới, yếu tố mới về kinh tế - xã hội, về tư tưởng tổ chức để Đảng bộ và nhân dân xã nhà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

          Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới; dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ; các tầng lớp nhân dân trong xã đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng; đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và đạt được nhiều thành tựu lớn, tạo nên những “dấu mốc” quan trọng, làm cho xã Quảng Bình mỗi ngày thêm khởi sắc. Kinh tế phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 15%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt trên 80 triệu đồng/năm. Cơ sở vật chất hạ tầng: điện, đường, trường, trạm…đều đã được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện, hiện đại, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh; đặc biệt, sau các đợt cao điểm hiến đất làm đường, hệ thống giao thông cơ bản được mở rộng, nâng cấp đồng bộ; cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn;

          Sự nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo được quan tâm, chăm lo. Cả 3 cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1,2; luôn giữ vững danh hiệu trường tiên tiến. Làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân; xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế năm 2015; các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hỗ trợ đảm bảo ổn định về đời sống; giảm dần và không còn hộ nghèo. Số hộ giàu ngày càng tăng; Các thiết chế văn hoá được bổ sung, hoàn thiện; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” mang lại hiệu quả thiết thực; 5/5 thôn và 3 nhà trường đạt danh hiệu thôn/đơn vị văn hóa; trên 95% số hộ đạt gia đình văn hóa. Xã đạt chuẩn Kiểu mẫu theo Quyết định số 09/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hoá.

          Quốc phòng, an ninh được tăng cường, giữ vững. Trong 5 năm gần đây, Quân sự xã 4 năm 2019, 2020, 2021, 2023 được Quân khu 4 tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng; Công an xã được Bộ Công an tặng Bằng khen; các năm 2020, 2021, 2022, 2023 đều đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng.

          Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt được nhiều kết quả, xã Quảng Bình đã huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; phát huy tốt được tinh thần đoàn kết, dân chủ trong Đảng bộ và nhân dân; khắc phục và vượt qua mọi khó khăn; bứt phá và tạo nên những kết quả đáng trân trọng: đạt xã NTM năm 2015; xã NTM nâng cao năm 2020; xã NTM kiểu mẫu năm 2023; 4/5 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu, 01/5 thôn đạt thôn thông minh; hoàn thành chuyển đổi số cấp xã. Tiếp tục xây dựng xã thông minh trong năm 2024, góp phần cùng với huyện Quảng Xương xây dựng thành công huyện NTM nâng cao.

          Công tác xây dựng Đảng được tăng cường trên tất cả các mặt về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy không ngừng được đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên được nâng lên; cônng tác quản lý, điều hành của chính quyền ngày càng hiệu quả; xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng đổi mới, thực chất. Hệ thống chính trị luôn đoàn kết, trong sạch vững mạnh; nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền; đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng cấp uỷ, chính quyền hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao. 

          Trãi qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ ngày thành lập, chi bộ xã Quảng Bình với 37 đảng viên; đến nay, Đảng bộ đã có 335 đảng viên, sinh hoạt ở 11 Chi bộ trực thuộc và trải qua 23 kỳ Đại hội; có 85 đồng chí tham gia cấp uỷ; trong đó, có 34 đồng chí tham gia BTV; 18 đồng chí giữ cương vị Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng uỷ xã qua các thời kỳ. Đội ngũ đảng viên ngày càng lớn mạnh. Đến tháng 12 năm 2023, Đảng bộ có 185 lượt đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng; trong đó, có 115 lượt đảng viên được trao Huy hiệu từ 50 đến 75 năm tuổi Đảng.

Đảng bộ nhiều năm liên tục được Huyện ủy khen thưởng “Đảng bộ Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”; được Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; Nhân dân và cán bộ xã Quảng Bình nhiều năm liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Tặng cờ thi đua (năm 2019, năm 2021, năm 2022). Đặc biệt, năm 2022; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Quảng Bình được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba - đã có thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc.

Đạt được những thành quả như ngày hôm nay, trước hết là nhờ có chủ trương, đường lối, ánh sáng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo giúp đỡ trực tiếp của Huyện uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và các địa phương, đơn vị... đối với xã Quảng Bình trong quá trình đấu tranh cách mạng trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày nay. Đặc biệt, là do công sức đóng góp của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong xã, sự cống hiến lớn lao của các anh hùng liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với quê hương, đất nước; sự đóng góp quan trọng của các thế hệ lãnh đạo, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã qua các thời kỳ.

70 năm qua, thời gian không dài so với tiến trình phát triển của đất nước song, đó là một chặng đường dài in đậm nhiều dấu ấn lịch sử - một chặng đường trải qua nhiều gian khổ, hy sinh nhưng cũng vô cùng vẻ vang và rất đỗi tự hào của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình.

Lịch sử Đảng bộ Quảng Xương đang nối dài theo năm tháng; Những trang vàng, thành công nối thành công. Trong tiến trình ấy, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Bình đã và đang góp phần làm dày, đẹp thêm những trang sử vẻ vang của huyện nhà.

Toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân xã Quảng Bình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; đoàn kết, thống nhất; chung sức, đồng lòng; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025; phấn đấu xây dựng xã Quảng Bình ngày một phồn vinh; góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng huyện Quảng Xương anh hùng giàu đẹp, văn minh và ngày càng phát triển.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG BÌNH - HUYỆN QUẢNG XƯƠNG

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Thanh Bảo

Địa chỉ: xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 02373.731.844

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa